Nhưng điều gì đã dẫn tới bi kịch của Oppenheimer?
Ở đoạn đầu của bộ phim có cảnh khi cậu thanh niên Oppenheimer trẻ tuổi không thực hiện được những bài tập thí nghiệm của giáo sư, bị chế giễu và coi thường.
Phải, Oppenheimer là một nhà vật lý lý thuyết. Ông sống trong lý thuyết, trong một thế giới siêu hình, thế giới của những thứ quá lớn (các vì sao) hoặc những thứ quá bé (các nguyên tử).
Ông có thể nắm bắt những công thức dài hàng trang giấy với những ký hiệu làm người thường hoa mắt, nhưng lại hoàn toàn ngây thơ khi bước vào cuộc đời thực.
Cái cách mà Oppenheimer tin rằng một khi chứng kiến sự khủng khiếp bom nguyên tử được thả xuống Nhật Bản, các quốc gia khác sẽ không bao giờ dùng đến nó và hòa bình sẽ được thiết lập dài lâu, thực quá ngây thơ.
Ông và những nhà vật lý lý thuyết làm sao hiểu được rằng cái thế giới mà họ đương sống còn có những hố đen tối tăm hơn cả những hố đen vũ trụ.
Luôn có những định lý để hiểu các nguyên tử, nhưng chẳng có định lý nào để xét đoán được lòng tham vô tận, sự đố kỵ, sự vô tri, thủ đoạn của con người – điều được Nolan khắc họa qua những chính trị gia: từ tổng thống Truman (Gary Oldman) với chiếc khăn mùi xoa trắng chẳng thể lau đi tội lỗi, đến bộ trưởng chiến tranh Stimson (James Remar) khểnh chân ngồi chọn địa điểm đánh bom và vui vẻ bỏ qua Kyoto vì đó là nơi ông ta từng hưởng tuần trăng mật.