Oppenheimer: 'Bom nguyên tử' của Hollywood

Tác phẩm tiểu sử của đạo diễn Christopher Nolan cũng giống như một trái bom nguyên tử với điện ảnh thế giới – một thứ chỉ có thể làm ra khi hội tụ đủ hai điều kiện: một nguồn lực tài chính khổng lồ cùng những bộ óc kiệt xuất. Và rồi thành quả đạt được vừa thật vĩ đại nhưng cũng thật hiểm nguy.

Cảnh phim tréo ngoe khi Oppenheimer nhận những tiếng hoan hô cuồng nhiệt sau khi Mỹ thả hai trái bom nguyên tử xuống Nhật Bản, kết thúc Thế Chiến II

Bắt đầu với một sự tích nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp về Prometheus, vị thần đánh cắp lửa cho con người và rồi phải chịu sự trừng phạt vĩnh cửu, Oppenheimer là một đại sử thi về một cá nhân vĩ đại đã trót mở chiếc hộp bí mật ẩn chứa sức mạnh tàn khốc của vũ trụ, một sức mạnh đủ khả năng hủy diệt con người, để rồi mãi mãi sống trong lương tâm dằn vặt.

Bộ phim gồm ba tuyến thời gian lồng vào nhau. Đầu tiên là phiên điều trần của Oppenheimer – Cillian Murphy thủ vai, người đã có một vai diễn để đời nhờ đôi mắt xanh như chứa cả địa ngục đọa đày – với Ủy ban Năng lượng nguyên tử Mỹ nơi ông bị ngờ vực làm gián điệp cho Liên Xô trong thời kỳ lãnh đạo dự án bom nguyên tử.

Sau đó là hồi ức của Oppenheimer từ thời tuổi trẻ đầy lý tưởng khoa học và cách mạng, đến khi trở thành nhà vật lý lượng tử được xiển dương nhờ giúp phe đồng minh tiêu diệt phát xít với hai trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki.

Cuối cùng là phiên điều trần tại Thượng viện với chính chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Lewis Strauss – Robert Downey Jr. thủ vai – người đã dùng mọi thủ đoạn hạ bệ Oppenheimer.

Cảnh phim tréo ngoe khi Oppenheimer nhận những tiếng hoan hô cuồng nhiệt sau khi Mỹ thả hai trái bom nguyên tử xuống Nhật Bản, kết thúc Thế Chiến II

Tác phẩm của Christopher Nolan cũng phức tạp như chính cuộc đời bất-khả-định-nghĩa của Oppenheimer – khi được coi là anh hùng cứu quốc, khi bị coi là kẻ bán nước; khi thì tuyên bố cần một trái bom để giữ hòa bình, khi lại hối hận khôn nguôi vì thứ vũ khí mà mình đã tìm ra.

“Ông tin vào điều gì?”, câu hỏi của Edward Teller (Bennie Safdie) – “cha đẻ của bom hydro” – hỏi Oppenheimer. Nhưng có lẽ chính ông cũng không biết.

Khước từ giản lược hóa một con người theo bất cứ lý giải tuyến tính nào, Nolan khắc họa Oppenheimer với tất cả tội lỗi và sám hối.

Ông đã ngẩng cao đầu trước những người hô vang tên mình rồi đọc bài diễn văn thành công sau sự kiện thả bom nguyên tử, nhưng cũng là ông cúi đầu lặng lẽ khi chuyện trò cùng Albert Einstein (Tom Conti) về gánh nặng mà những kẻ như họ phải đeo mang.

Ông đã sung sướng tột cùng trong cảm giác được trở thành một đấng sáng thế khi vụ thử hạt nhân Trinity (Chúa Ba Ngôi, một cái tên thật ngạo nghễ do ông đặt) tại Los Alamos diễn ra đúng như ông dự đoán; và lại là ông với ánh mắt ứ lệ khi tưởng tượng ra những xác người bị lột da, hiểu rằng bàn tay mình đã nắm lấy lưỡi hái tử thần như câu thơ trong Chí Tôn Ca: “Ta đã trở thành tử thần, kẻ phá hủy mọi thế giới”.

Cảnh phim Oppenheimer

Nhưng điều gì đã dẫn tới bi kịch của Oppenheimer?

Ở đoạn đầu của bộ phim có cảnh khi cậu thanh niên Oppenheimer trẻ tuổi không thực hiện được những bài tập thí nghiệm của giáo sư, bị chế giễu và coi thường.

Phải, Oppenheimer là một nhà vật lý lý thuyết. Ông sống trong lý thuyết, trong một thế giới siêu hình, thế giới của những thứ quá lớn (các vì sao) hoặc những thứ quá bé (các nguyên tử).

Ông có thể nắm bắt những công thức dài hàng trang giấy với những ký hiệu làm người thường hoa mắt, nhưng lại hoàn toàn ngây thơ khi bước vào cuộc đời thực.

Cái cách mà Oppenheimer tin rằng một khi chứng kiến sự khủng khiếp bom nguyên tử được thả xuống Nhật Bản, các quốc gia khác sẽ không bao giờ dùng đến nó và hòa bình sẽ được thiết lập dài lâu, thực quá ngây thơ.

Ông và những nhà vật lý lý thuyết làm sao hiểu được rằng cái thế giới mà họ đương sống còn có những hố đen tối tăm hơn cả những hố đen vũ trụ.

Luôn có những định lý để hiểu các nguyên tử, nhưng chẳng có định lý nào để xét đoán được lòng tham vô tận, sự đố kỵ, sự vô tri, thủ đoạn của con người – điều được Nolan khắc họa qua những chính trị gia: từ tổng thống Truman (Gary Oldman) với chiếc khăn mùi xoa trắng chẳng thể lau đi tội lỗi, đến bộ trưởng chiến tranh Stimson (James Remar) khểnh chân ngồi chọn địa điểm đánh bom và vui vẻ bỏ qua Kyoto vì đó là nơi ông ta từng hưởng tuần trăng mật.

Cillian Murphy đã có thêm một vai diễn xuất sắc với Oppenheimer

Xem phim như một nghi thức

Mấy năm qua, Hollywood được thống trị bởi hai trường phái: một bên là những bộ phim “bom tấn” nhàm chán nhưng tốn bộn tiền, và một bên là những tác phẩm sốc óc, độc đáo với kinh phí vừa phải của A24.

Oppenheimer là một điều gì đó khác, cũng giống như Inception trước đây, nó chứng minh rằng khi tiền bạc được đặt đúng vào những trí tuệ xứng đáng thì Hollywood luôn có khả năng làm ra những kiệt tác vượt tầm mà chưa một nền điện ảnh nào khác có thể mơ chạm tới.

Oppenheimer tạo nên một hiện tượng thú vị khi người ta truyền tai nhau về việc trước khi xem phim, phải trang bị trước một chút kiến thức về Thế chiến II, về vật lý lượng tử, về hệ thống nhân vật – diễn viên rắc rối. Và như vậy, người ta bước vào rạp chiếu không phải để tìm vài giờ mua vui, mà với tất cả sự nghiêm túc.

Phân cảnh gặp gỡ bên hồ đầy xúc động giữa Einstein và Oppenheimer

Hai trong những chi tiết đẹp nhất trong phim chắc chắn là thước phim đen trắng quay ở góc máy xa với Einstein và Oppenheimer trò chuyện gì đó với nhau bên hồ, và ở gần cuối khi tình tiết ấy được khơi mở lại, lần này là một thước phim màu quay cận, và ta được nghe lời một thiên tài dành cho một thiên tài khác.

Đó là những giây phút điện ảnh quá đỗi xúc động, như thể ta thực sự được diện kiến những trí tuệ lỗi lạc nhất, nhưng cũng là những tâm hồn giằng xé nhất.

Đó hẳn là điều ý nghĩa nhất mà Oppenheimer sẽ đem tới cho điện ảnh đại chúng: xem phim không phải như một thú vui, mà xem phim như một nghi thức.